Tiêu chảy cấp là một bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là vào thời tiết nắng nóng. Bé bị tiêu chảy nếu không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có trường hợp còn đe dọa tới tính mạng của trẻ. Chính vì thế, cha mẹ cần biết về căn bệnh này ở trẻ để có biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp kịp thời để tránh gây ảnh hưởng tới con nhỏ, nhất là vào mùa hè như hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc và hướng điều trị bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ tại nhà hiệu quả, an toàn.
Tìm hiểu kiến thức bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
1. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ là gì?
Tiêu chảy là hiện tượng đi tiêu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Đối với những trẻ sơ sinh đang bú mẹ đi tiêu nhiều hơn 5-6 lần trong ngày, phân không được bình thường, nếu phụ huynh quan sát thấy phân có nhiều nước thì mới gọi là tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Thủ phạm có nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Ngoài Rotavirus gây tiêu chảy cấp mất nước nặng thì một số vi khuẩn sau đây cũng cần chú ý đề phòng vì mức độ nguy hiểm và biến chứng có thể để lại sau này:
– Vi khuẩn tả: Có thể nói đây là hung thủ đáng sợ gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo ngại vì loại vi khuẩn này có độc lực rất mạnh. Khi bé bị tiêu chảy do vi khuẩn tả gây ra sẽ bị mất nhiều nước và điện giải trong thời gian ngắn, diễn tiến của bệnh rầm rộ và phức tạp, trẻ rất dễ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
– Vi khuẩn lỵ: Trẻ sẽ bị nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa nặng nề nếu vi khuẩn lỵ xâm nhập, trẻ xuất hiện các triệu chứng điển hình như đi ngoài nhiều lần trong ngày, mót rặn, phân có lẫn chất nhầy hoặc lẫn máu, đau bụng, một số trẻ có thể bị sốt vừa hoặc sốt cao. Chữa tiêu chảy cho trẻ kịp thời để tránh tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm độc toàn thân rất nguy hiểm tới tính mạng.
– Vi khuẩn Ecoli: Đây là loại vi khuẩn phổ biến nhất vào mùa hè, điều kiện nắng nóng rất thuận lợi cho Ecoli phát triển gây bệnh. Tiêu chảy ở trẻ em do Ecoli thường là tiêu chảy cấp, trẻ đi ngoài và nôn ói nhiều gây mất nước.
– Vi khuẩn thương hàn: Nhắc đến vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng thì không thể bỏ qua vi khuẩn thương hàn. Vi khuẩn này chủ yếu lây qua đường ăn uống, nhất là thức ăn chưa được nấu chín kỹ. Ngoài các triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa thì vi khuẩn thương hàn còn có khả năng gây nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
3. Biến chứng nguy hiểm về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Trẻ bị tiêu chảy đi nhiều lần trong ngày sẽ bị cạn nước trong người dần dần có nguy cơ bị mất nước rất cao. Cơ thể của trẻ hoạt động rất kém, cơ thể bị suy nhược dẫn đến không hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng trong ngày trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể… Dẫn đến trường hợp tiêu chảy do vi trùng dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.
Cách điều trị hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Đa số các trẻ sơ sinh bị tiêu chảy hoặc các trẻ lớn nếu không có các biểu hiện nghiêm trọng thì đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà. Cha mẹ nên chú ý các nguyên tắc điều trị dưới đây để tránh những sai lầm đáng tiếc, đảm bảo trẻ nhanh chóng hồi phục và phát triển khỏe mạnh sau giai đoạn bệnh.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là bổ sung lượng nước đầy đủ cho trẻ, giai đoạn này trẻ cần nhiều nước hơn bình thường. Với các trẻ còn bú mẹ nên tăng cường số lần bú, trẻ 6 tháng tuổi trở lên có thể bù nước cho trẻ bằng nước súp, nước cháo muối, nước dừa, nước sôi để nguội…Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống thêm dung dịch Oresol để bù nước và điện giải vì khi trẻ đi ngoài và nôn ói nhiều lần sẽ bị mất một lượng nước và muối khoáng lớn. Lưu ý pha dung dịch Oresol phải đúng theo hướng dẫn trên bao bì và cho trẻ uống với liều lượng phù hợp độ tuổi của trẻ.
Duy trì chế độ ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh bị tiêu chảy còn bú sữa mẹ thì không nên kiêng khem. Các trẻ lớn hơn đã bước vào giai đoạn ăn dặm thì cho ăn thức ăn được chế biến dưới dạng mềm lỏng, dễ tiêu hóa và đủ các nhóm dưỡng chất chính như đường bột, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong giai đoạn này trẻ sẽ dễ bị nôn ói, vì thế cha mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và cho ăn với số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Sau khi khỏi bệnh có thể cho trẻ ăn nhiều hơn để hồi phục dinh dưỡng. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn hoặc uống nước giải khát, nước ngọt có gas vì sẽ làm tình trạng tiêu chảy của trẻ trầm trọng hơn.
Thức ăn cho trẻ phải được chế biến hợp vệ sinh, đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Dụng cụ chế biến, bình sữa và các vật dụng khác nên được tiệt trùng kỹ để tránh vi khuẩn gây bệnh.
Chữa tiêu chảy cho trẻ cần chú ý việc sử dụng thuốc đúng cách, nhiều bậc phu huynh vì quá lo lắng cho con nên đã tự ý sử dụng kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, điều này hết sức nguy hiểm. Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Cha mẹ có thể bổ sung vi chất kẽm cho trẻ bằng đường uống dưới dạng viên hoặc nước, nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc sử dụng kẽm sẽ rút ngắn thời gian bé bị tiêu chảy và giản mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng chất kẽm phải có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu đã thực hiện đủ và đúng các nguyên tắc điều trị tiêu chảy ở trẻ em tại nhà mà tình trạng bệnh của trẻ vẫn không thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng như trẻ bỏ ăn, bỏ bú, sốt cao liên tục 39-40oC, nôn ói quá nhiều, phân có lẫn máu, người mệt mỏi và ngủ li bì…thì ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Chia sẻ kiến thức giúp ích cho nhiều bậc phụ huynh chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!