Polyp dạ dày là những khối u lồi có hình dạng khác nhau, có cuống, được hình thành do sự tăng sinh quá mức tế bào ở niêm mạc dạ dày. Polyp dạ dày thường không biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện. Vì thế, việc nắm nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh hiệu quả.
Nguyên nhân nào hình thành polyp dạ dày?
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, công tác khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: Polyp dạ dày là những khối u được hình thành do sự tăng sinh quá mức của tế bào niêm mạc dạ dày.
Các dạng polyp dạ dày thường gặp là: polyp tăng sản polyp phình vị dạ dày và u tuyến. Trong những dạng trên, polyp tăng sản là loại thường gặp nhất với tỉ lệ lên đến 90% khối polyp dạ dày, còn polyp u tuyến là loại ít gặp nhất (tỉ lệ 5-10%) nhưng có khả năng biến đổi thành tế bào ung thư.
Polyp dạ dày hầu như không biểu hiện, hoặc nếu có thì triệu chứng bệnh khá mơ hồ. Triệu chứng polyp dạ dày chỉ xuất hiện rõ khi khối polyp bị loét trên bề mặt gây chảy máu hoặc chúng hình thành tại khu vực gần tá tràng gây tắc nghẽn. Lúc này, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, dịch nôn có màu nâu hoặc lẫn với máu, quan sát phân có màu đen.
Polyp dạ dày không tự sinh ra, cũng không tự mất đi mà có những yếu tố tác động đến đến sự tăng sản tế bào ở niêm mạc dạ dày. Những nguyên nhân phổ biến gây polyp dạ dày đó là:
1. Viêm dạ dày mãn tính do nhiễm vi khuẩn Hp
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – phó khoa Tiêu hóa, Bênh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày là do sự tăng sản của tế bào niêm mạc dạ dày kèm theo phản ứng viêm mãn tính của những tế bào có bên trong dạ dày. Tình trạng này thường xuyên bắt gặp ở những bệnh nhân bị bệnh viêm dạ dày.”
Nguyên nhân gây viêm dạ dày mãn tính rất đa dạng, trong đó phải kể đến vi khuẩn Hp – tác nhân chính gây viêm dạ dày, tăng sản dạ dày. Ngoài ra, chế độ ăn uống không phù hợp, uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, dùng thuốc chống viêm, giảm đau thường xuyên cũng là một trong những tác nhân chính gây viêm dạ dày, gián tiếp hình thành polyp dạ dày.
2. Do tuổi tác
Không chỉ những người bị viêm dạ dày có nguy cơ xuất hiện polyp dạ dày, tuổi tác cũng là nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày phổ biến. Theo các nghiên cứu, xác xuất những người trên 50 tuổi mắc bị polyp dạ dày sẽ cao hơn so với nững người trẻ tuổi.
3. Do sử dụng thuốc
Nếu như đang sử dụng các loại thuốc chữa bệnh dạ dày kéo dài, không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc kéo dài có thể tăng nguy cơ hình thành polyp dạ dày.
- Thuốc ức chế bơm proton PPI (esomeprazol, lansoprazole, pantoprazole, omeprazole, và rabeprazole);
- Các loại thuốc chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: famotidine (pepsid), ranitidine (zantac), cimetidine (tagamet)…
- Các loại thuốc đẩy nhanh tốc độ làm rỗng dạ dày như: metoclopramide (reglan), mosapride (zurma), domperidone (motilium)…
4. Do yếu tố di truyền
Đối với loại polyp tăng sản, thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm dạ dày và polyp tuyến phình vị – tế bào được hình thành ở lớp lót bên trong niêm mạc dạ dày đều có thể bắt gặp ở những đối tượng bị ung thư ruột kết – Đây là bệnh có tính chất di truyền.
Hầu hết những loại polyp tuyến phình vị không có khả năng biến đổi thành bệnh ung thư dạ dày, ngoại trừ người bị ung thư ruột kết di truyền. Tuy nhiên, nếu như người đó bị ung thư ruột kết di truyền thì khả năng chúng biến đổi thành khối u ác tính là rất cao.
Chính vì vậy mà các nhà khoa học Thụy Điển đã kết luận: “Di truyền cũng là một trong những yếu tố hình thành polyp dạ dày. Điều này có nghĩa là nếu trong gia đình bạn từng có người bị mắc bệnh trên thì khả năng những người cận huyết gặp phải cũng rất cao.”
Lời khuyên của bác sĩ
- Đối với người lớn tuổi có polyp dạ dày khi chưa cần thực hiện phẫu thuật cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Bệnh nhân cần thăm khám sức khỏe định kì và thực hiện nội soi dạ dày để theo dõi tiến triển của khối polyp. Sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cũng nên chú ý đến tái khám định kỳ.
- Để phòng polyp dạ dày cũng như bảo vệ dạ dày, bạn không nên hút thuốc lá, uống rượu bia. Cần thiết lập cho bản thân chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học bằng cách ăn uống hợp lý, ăn chậm nhai kỹ, tăng cường vận động thể dục thể thao tùy theo lứa tuổi và khả năng.
- Tích cực điều trị bệnh lý về dạ dày mắc phải, nhất là bệnh viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp.
Một số nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày phổ biến bài viết vừa trình bày bên trên sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và chữa trị. Nhìn chung, polyp dạ dày thường lành tính, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trường hợp polyp dạ dày chuyển thành ung thư dạ dày không cao. Tuy nhiên, nếu nội soi phát hiện có khối u trong cơ thể, khối u khá lớn và đó là u tuyến thì bạn nên cắt bỏ. Những trường hợp khối u nhỏ thì không cần phẫu thuật.
Thanh Ngân
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!