Ung thư dạ dày là bệnh được hình thành khi tế bào dạ dày phát triển quá mức hình thành khối u ác tính. Những khối u này dễ di căn đến những bộ phận lân cận như gan, lá lách, phổi….
Ung thư dạ dày là hiếm gặp hơn so với những loại bênh ung thư khác, song mức độ nguy hiểm thì không thể xem thường. Các chuyên gia cho biết bệnh gây tử vong cao, chỉ đứng sau ung thư phổi. Năm 2011, ước tính rên thế giới có 989.600 ca ung thư dạ dày và hơn 738.000 bị tử vong. Do đó, nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
I. Bệnh ung thư dạ dày là gì? Các giai đoạn phát triển của bệnh
Giống như những bộ phận khác trên cơ thể, dạ dày được cấu tạo bởi tế bào. Thông thường, các tế bào sẽ phân chia để tạo thêm nhiều tế bào mới khi cần thiết. Việc phân chia tế bào bất kể cơ thể không có nhu cầu tái tạo tế bào mới sẽ tạo ra khối mô hay còn gọi là bướu, có thể lành tính hay ác tính.
Khối mô lành tình không phải là ung thư dạ dày, không lây lan sang những tế bào khác nên không gây hại, có thể cắt bỏ dễ dàng và không tái phát trở lại. Còn những khối u ác tính mới là ung thư dạ dày. Tế bào ung thư có thể xâm lấn, phá hủy những tế bào và cơ quan lân cận. Những tế bào ung thư dạ dày có thể bỏ khối u ác tính để đi vào máu hoặc hạch bạch huyết, hình thành những khối u tại phần khác của cơ thể. Sự tràn lan, xâm lấn này được gọi là di căn.
Ung thư dạ dày có thể xuất hiện ở bất kì phần nào của cơ thể, lan toàn bộ dạ dày, phát triển dọc theo thực quản hoặc ruột non. Khối u có thể phát triển xuyên qua thành dạ dày, lan đến hạch bạch huyết gần đó, một số cơ quan lân cận như ruột già, tụy, gan, thậm chí những bộ phận ở xa như: phổi, buồng trứng…
Ung thư dạ dày thường bắt gặp nhiều ở các quốc gia Bắc Âu, Nam Mỹ, một số nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản. Tỉ lệ mắc bệnh thường rơi vào những người trên 30 tuổi, hiếm khi gặp ở những người dưới độ tuổi này. Tỉ lệ nam mắc ung thư dạ dày nhiều hơn nữ giới.
*** Tìm hiểu những đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày:
Giống như những bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau:
- Giai đoạn 0: Đây còn được xem là giai đoạn biểu mô, Lúc này, tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện, cơ thể không có những biểu hiện gì bất thường.
- Giai đoạn 1: Bước sang giai đoạn này, cấu trúc dạ dày có sự biến đổi: ung thư biểu mô chuyển sang ung thư niêm mạc. Lúc này, tế bào ung thư xâm lấn đến lớp thứ 2 của thành dạ dày, lân lan đến 6 hạch bạch huyết. Người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như: đau bụng nhẹ, đầy hơi, ợ hơi… Tuy nhiên, những biểu hiện cũng khá mơ hồ, khi có khi không nên thường dễ bị bỏ qua.
- Giai đoạn 2: Khối u lúc này đã xâm lấn sang lớp dưới của niêm mạc. Tế bào ung thư dạ dày phát triển khá nhanh. Các triệu chứng bệnh bắt đầu biểu hiện rõ. Cụ thể, người bệnh cảm thấy chán thịt mỡ, sau chán bất kì loại thức ăn nào. Tình trạng chướng bụng, khó tiêu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể ngày càng xuất hiện dày đặc hơn.
- Giai đoạn 3: Sang giai đoạn này, khối u lan sang 7-15 hạch bạch huyết, tế bào ung thư có thể lan sang gan, lá lách. Vì khối u đã xâm lấn rộng nên cơn đau xuất hiện đậm đặc, cường độ đau cũng dữ dội hơn. Khi sờ phần bụng có thể cảm nhận được sự hiện diện của khối u.
- Giai đoạn 4: Đây cũng là giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày. Tế bào ung thư lây lan, phát triển và lây lan toàn bộ dạ dày, các hạch bạch huyết cùng một số cơ quan xung quanh. Lúc này, người bệnh nhạy cảm hơn với thức ăn, chỉ cần ngửi mùi thôi cũng đủ gây buồn nôn, ăn vào nôn ra, bụng đau dữ dội… Không chỉ vậy, người bệnh còn thường xuyên bị xuất huyết dạ dày, sụt cân không phanh, nguy cơ tử vong là rất cao.
II. Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh vô cùng nguy hiểm, đứng đầu trong những bệnh đường tiêu hóa. Cho đến hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những yếu tố sau liên quan mật thiết, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày, đó là:
1. Nhiễm vi khuẩn Hp
Hồ axit dạ dày đậm đặc là “mồ chôn” của nhiều vi khuẩn gây hại, duy chỉ có vi khuẩn Hp có thể sinh sôi và phát triển và gây bệnh. Khi sinh sống tại niêm mạc dạ dày, chúng tiết ra độc tố CagA (cytotoxin-associated gene A) làm thay đổi DNA của niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm teo dạ dày, chuyển sản dạ dày ruột, loạn sản, ung thư dạ dày.
Chính vì nguyên nhân trên mà tổ chức Y tế thế giới đã xếp vi khuẩn Hp là tác nhân đầu tiên gây bệnh ung thư dạ dày.
2. Do chế độ ăn uống
Người ăn quá nhiều muối, đồ ăn nhiều chất béo, đồ xông khói, thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn so với người bình thường. Những chất như nitrates, nitrites có trong đó khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất độc gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, việc ăn những thực phẩm nhiễm afltoxin từ nấm mốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Do yếu tố di truyền
Người ta tìm thấy 1/50 trường hợp bị bệnh ung dạ dày có xuất hiện gen đột biến E-cadherin di truyền trong gia đình. Điều này cho thấy, nếu như trong gia đình bạn có anh chị em, bố mẹ mắc bệnh ung thư dạ dày, nguy cơ những thành viên khác mắc bệnh này cao hơn so với thông thường. Vậy nên, bạn cần đi thăm khám sớm để biết mình có mắc bệnh hay không.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người có nhóm máu A di truyền từ bố mẹ có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn những đối tượng khác.
4. Do viêm loét dạ dày mãn tính
Với những người bị viêm loét dạ dày, người từng trải qua cuộc phẫu thuật dạ dày có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người khác. Nguyên do bởi khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần trên cơ thể mà có làm ảnh hưởng đến dạ dày sẽ tăng nguy cơ gây bệnh.
5. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những thủ phạm hàng đầu gây nên bệnh ung thư, trong đó có bệnh ung thư dạ dày. Nguyên do bởi trong thuốc lá chứa nhiều chất độc hại làm tổn thương tế bào dạ dày. Nếu như đang có thói quen trên thì bạn nên nhanh chóng từ bỏ để bảo vệ sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng.
6. Một số yếu tố khác
Các chuyên gia cho biết, những người bệnh tiểu đường, thiếu máu ác tính, viêm teo niêm mạc dạ dày, tăng sản, polyp dạ dày… có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với người bình thường.
Trên đây là những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nắm rõ những nguyên nhân gây bệnh trên sẽ giúp bạn có biện pháp chủ động phòng bệnh.
III. Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư dạ dày
Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, việc sớm phát hiện bệnh ung thư dạ dày vô cùng quan trọng bởi chúng sẽ quyết định cách thức chữa trị, nâng cao khả năng sống sót cho bệnh nhân. Các nhà khoa học đã chỉ rõ, bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn muộn tỉ lệ sống không cao, chỉ dưới 10% trong khi đó, tỉ lệ này cực kì cao, khoảng 97.1% -100% ở giai đoạn sớm. Đối với bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn sớm, không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày mà chỉ cần gạt bỏ phần dạ dày bị tổn thương là được.Trong khi đó, việc phát hiện ung thư dạ dày muộn sẽ tăng nguy cơ rủi ro, mọi biện pháp điều trị lúc này chỉ hướng đến việc kéo dài sự sống.
Tuy nhiên, có một điểm bất lợi đó là việc phát hiện bệnh sớm hầu như không dễ. Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, kích thước của khối u rất nhỏ (không quá 5-7 cm) nên không làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Cũng chính vì vậy mà ung thư dạ dày hầu như không có những biểu hiện ở giai đoạn sớm. Nếu có thì triệu chứng bệnh cũng rất mơ hồ, không rõ ràng, dễ gây nhầm lầm với những bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Ở các giai đoạn tiến triển hay giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã phát triển, di căn đến những cơ quan lân cận, các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ nét hơn, cụ thể:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Đây là biểu hiện mà hầu hết bệnh nhân bị ung thư dạ dày đều gặp phải. Tình trạng trên xuất hiện nhiều hơn đối với. Khác với viêm loét dạ dày, bị sụt cân chủ yếu do kém ăn, tác dụng phụ của thuốc, trọng lượng cân nặng thất thoát không quá nhiều. Còn người bị ung thư dạ dày, trong vòng 3 tháng có thể giảm đến 15% trọng lượng của cơ thể.
- Đau bụng giữa, đau vùng thượng vị dạ dày: Nếu như cơn đau do viêm loét dạ dày thường xuất hiện khi đói hoặc sau khi ăn no thì cơn đau do bệnh ung thư dạ dày gây hầu như không có qui luật, mức độ đau càng tiến triển nặng theo thời gian, khi yên tĩnh người bệnh càng cảm nhận cơn đau rõ ràng hơn, thuốc không cải thiện được triệu chứng là bao.
- Chán ăn: Bệnh nhân bị ung thư dạ dày sẽ xuất hiện cảm giác chán ăn, nhạy cảm hơn với mùi của thức ăn, chỉ cần ngửi thôi là cảm thấy buồn nôn. Bên cạnh đó, việc nuốt thức ăn cũng gặp nhiều khó khăn.
- Buồn nôn và nôn: Người bị ung thư thường xuyên xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn thức ăn ra ngoài. Quan sát dịch nôn nhận thấy có lẫn thức ăn ngày hôm trước, chất dịch có màu đen sậm như bã cà phê. Trường hợp nghiêm trọng, dịch nôn có lẫn với máu tươi. Sau khi nôn, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Đi ngoài phân đen: Ung thư dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa. Bạn có thể nhận biết hiện tượng trên thông qua quan sát màu sắc của phân. Có đến 20% ca bệnh phát hiện trong phân có lẫn máu.
Cách tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày đó là tham gia chương trình tầm soát ung thư dạ dày. Hiện nay, chương trình này rất phát triển, thu được nhiều kết quả tích cực ở các nước châu Á (nhất là Nhật Bản) khi phát hiện được khối ung thư dạ dày rất sớm, ngay khi các triệu chứng còn chưa xuất hiện.
IV. Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh dễ chẩn đoán thông qua nội soi và làm sinh thiết. Dưới đây là một số phương pháp chẩn bệnh phổ biến hiện nay:
1. Nội soi dạ dày
Để phát hiện những bất thường ở dạ dày, nội soi là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày giai đoạn sớm, giúp phân biệt được khối u lành tính hay tính, mức độ xâm lấn.
Nội soi dạ dày được tiến hành bằng cách dùng một ống nội soi mỏng, linh họat có gắn camara chiếu sáng ở đầu của thiết bị. Thông qua hình ảnh được trả về trên máy tính, bác sĩ sẽ quan sát được lớp lót dạ dày, thực quản, đoạn đầu của ruột non. Nếu như phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ lấy sinh thiết bằng dụng cụ truyền qua nội soi. Mẫu sinh thiết sẽ được gởi về phòng thí nghiệm để quan sát xem đó có phải tế bào ung thư hay không.
Tham khảo thêm: Một số hình ảnh nội soi của bệnh ung thư dạ dày
2. Siêu âm nội soi
Siêu âm nội soi là dùng sóng ấm để tạo ra hình ảnh ở dạ dày. Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng đầu dò hình que đặt lên trên da. Khi va chạm trúng nội tạng, chúng sẽ phát ra âm vang. Hình ảnh của tiếng vọng được máy tính xử lý sẽ giúp bác sĩ quan sát được các lớp của thành dạ dày, hạc bạch huyết gần đó và cấu trúc ngoài dạ dày. Siêu âm nội soi đặc biệt hữu ích khi khối u đã tràn vào thành dạ dày, xâm lấn mô bên cạnh và các hạch bạch huyết nằm gần đó.
3. Chụp X-quang
Chụp X-quang là phương pháp được áp dụng để chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày. Dựa trên hình ảnh được chụp bằng tia X, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương thực thể trong dạ dày. 90% trường hợp bị ung thư dạ dày được phát hiện nhờ phương pháp này. Những trường hợp còn phân vân, nghi ngờ sẽ được chuyển qua làm nội soi có sinh thiết.
4. Chụp CT
Phương pháp chẩn đoán CT Scanner có tác dụng hiển thị phạm vi phát triển của tế bào ung thư bên trong và ngoài dạ dày. Chụp CT thường được chỉ định cho những đối tượng bị ung thư dạ dày giai đoạn giữa hay cuối để xem mức độ di căn của tế bào ung thư, kiểm tra xem chúng đã xâm lấn sang các hạch bạch huyết hay chưa.
V. Những phương pháp điều trị ung thư dạ dày tiên tiến nhất hiện nay
Mặc dù được xem là nỗi “ám ảnh kinh hoàng” nhưng ung thư dạ dày không quá phổ biến nên ít ai quan tâm đến việc dự phòng. Hiện nay, ung thư dạ dày là một trong những bệnh có thể điều trị nếu như bệnh còn ở giai đoạn sớm, chưa di căn sang cơ quan lân cận.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, công tác tại Bệnh viện K trong chương trình Phòng chống bệnh ung thư Quốc gia cho biết, phương pháp chữa trị ung thư dạ dày tiên tiến và hiệu quả nhất hiện nay đó là: phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu và sử dụng kháng thể đơn dòng. Các phương pháp trên sẽ được bác sĩ chỉ định xen kẽ, phối hợp nhau để nhanh chóng đạt mục đích.
1. Phẫu thuật
Tính đến hiện tại thì phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày được áp dụng nhiều nhất. Dựa vào tình trạng xâm lấn của khói u, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiến hành phẫu thuật một phần dạ dày, phần lớn dạ dày (cắt bán dạ dày) hoặc toàn bộ dạ dày.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này được chỉ định cho những đối tượng ung thư giai đoạn sớm, khối u chưa lan rộng. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng ống dài linh hoạt lòn qua họng đưa xuổng dạ dày rồi cắt bỏ khối u. Cách làm trên khá đơn giản, không gây chảy máu, an toàn cho người bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ một phần của dạ dày, có thể là cắt một đoạn của thực quả hoặc một phần của ruột non. Những hạch lympho bên cạnh cũng được phép cắt bỏ. Cách chữa trị trên áp dụng cho trường hợp khối ung thư dạ dày chỉ khu trú ở phần thấp của dạ dày – đoạn gần ruột non hoặc phần trên của dạ dày – đoạn gần tá tràng.
- Phẫu thuật toàn bộ dạ dày: Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt bỏ toàn bộ dạ dày, hạch lympho bên cạnh, thậm chí cắt bỏ cả lá lạch, thực quản, ruột non, tụy và một số tổ chức gần đó nếu như khối u đã xâm lấn xuyên qua thành dạ dày hoặc khu vực phía trên của dạ dày. Lúc này, đoạn cuối của thực quản sẽ nối trực tiếp với ruột non.
Phẫu thuật giúp triệt căn ung thư dạ dày rất hiệu quả ở giai đoạn sớm. Đối với những bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày khi ở giai đoạn muộn, việc phẫu thuật ung thư dạ dày có tác dụng giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân, kéo dài thời gian sống. Sau 5 ngày phẫu thuật dạ dày, bệnh nhân có thể ăn uống bình thưởng trở lại, sau khoảng 10-14 ngày có thể xuất viện.
Phương pháp này làm mất bán phần hay toàn bộ dạ dày nên cấu trúc hệ tiêu hóa bị thay đổi, quá trình hấp thu và tiêu hóa thức ăn cũng bị ảnh hưởng. Nhiều bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác chướng bụng, ít đi ngoài, bụng đau âm ỉ…
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật dạ dày nên thường xuyên thăm khám sức khỏe để theo dõi vì phẫu thuật đôi khi không nạo vét được hết các khối u, bệnh mau chóng tái phát lại ngay sau đó.
2. Hóa trị liệu
Bên cạnh phẫu thuật dạ dày, hóa trị liệu cũng là một trong những phương pháp điều trị phối hợp để triệt tiêu khối u gây ung thư dạ dày. Hóa trị liệu là sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây được xem là điều trị hệ thống bởi thuốc sẽ đi khắp các mạch máu, tới các cơ quan trên cơ thể. Hóa trị liệu thích hợp cho trường hợp khối u đã lan tỏa và giúp giảm bớt triệu chứng bệnh.
Thông thường, hóa trị liệu sẽ được chỉ định trước khi tiến hành phẫu thuật để khối u se nhỏ lại, thuận tiện hơn cho việc phẫu thuật. Ngoài ra, hóa trị liệu cũng có thể được chỉ định sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày để triệt tiêu tế bào ung thư còn sót lại mà việc phẫu thuật không thể phát hiện được, đồng thời ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát hiệu quả.
3. Xạ trị (điều trị tia xạ)
Xạ trị là sử dụng tia năng lượng cao để ngăn tế bào ung thư không phát triển, từ đó tiêu diệt chúng. Những tia phóng xạ này được tính toán chính xác để chỉ tác động đến tế bào ung thư mà không gây tổn thương đến mô lành.
Điều trị xạ trị được chỉ định trước phẫu thuật, phối hợp với hóa trị liệu để thu nhỏ khối u và được chỉ định sau phẫu thuật để tiêu diệt khối u còn sót lại, giảm nhẹ triệu chứng bệnh, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
4. Liệu pháp sinh học (liệu pháp miễn dịch)
Đây là hình thức điều trị nhằm mục đích hỗ trợ hệ thống miễn dịch tấn công, tiêu diệt tế bào ung thư tự nhiên nhất. Biện pháp này cũng có tác dụng phục hồi cơ thể sau một vài tác dụng của điều trị.
Hiện nay, các bác sĩ đã và đang nghiên cứu biện pháp sinh học phối hợp với những biện pháp chữa trị khác để phòng ngừa ung thư dạ dày tái phát.
Thông thường, khi tiên lượng và chữa trị ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn phát triển của bệnh và nhiều yếu tố khác như: tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho biết những bệnh nhân kiên trì trong quá trình điều trị, kiên cường, ý chí sống cao có nhiều cơ hội thoát khỏi bệnh tật.
VI. “Bỏ túi” ngay biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày
Hiểu được tính chất nguy hiểm và vô phương khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn của bệnh ung thư dạ dày, ngay từ bây giờ, việc bạn có thể làm đó là nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hằng ngày.
1. Hạn chế ăn đồ mặn
Nếu những ai có thói quen ăn mặn, ăn nhiều thực phẩm như cá muối, dưa cà muối… thì cần hạn chế. Nguyên do bởi những loại thực phẩm trên chứa khá nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi đi vào dạ dày, chúng có thể chuyển hóa thành Nitrosamines – chất gây bệnh ung thư vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, bạn cũng nên ít ăn đồ đóng hộp, đồ ăn ướp sẵn gia vị, lạc rang mặn, mì ăn liền, thịt khô cá muối, các loại mắm, gia vị, những món ăn được chế biến từ muối.
2. Hạn chế đồ hun khói, đồ dầu mỡ được chế biến ở nhiệt độ cao
Thịt hun khói, đồ nướng, chiên, xào, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ được chế biến ở nhiệt độ cao, đồ ăn được chiên đi chiên lại nhiều lần… đều chứa hàm lượng lớn chất gây ung thư benzopyrene, bạn cần hạn chế.
3. Không ăn thực phẩm nấm mốc
Vì cuộc sống bận rộn mà nhiề u người đã mua bánh mì, sandwich, bánh nướng để ăn dần. Nếu không bảo quản cẩn thận, nấm mốc Aspergillus và A.parasiyicus sẽ hình thành, phát triển, tăng nguy cơ bị ung thư, nhất là ung thư gan cực kì nguy hại đến sức khỏe.
Một số thực phẩm khô như gạo, lạc, đậu phộng cũng rất dễ bị loại nấm mốc này tấn công nên bạn cần lưu ý. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường, đừng vì tiếc của mà làm tổn hại đến sức khỏe.
4. Bỏ rượu, bia, thuốc lá
Thuốc lá, rượu, bia luôn được liệt kê vào danh mục “đồ cấm kị” nếu không muốn làm tổn hại đến sức khỏe bởi chúng là những tác nhân gây nhiều bệnh ung thư, không loại trừ ung thư dạ dày.
Theo đăng tải trên tạp chí Times in India, trong khói của thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư hoặc thúc đẩy tế bào ung thư phát triển như hydrocacbon thơm đa vòng, Benzopyrene – tác nhân chính gây ung thư dạ dày và thực quản.
5. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi
Rau xanh, hoa quả tươi là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất vô cùng phong phú. Ăn nhiều nhóm thực phẩm trên giúp tăng cường sự hấp thu protein, hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh ung thư dạ dày.
Những loại rau củ, trái cây nên bổ sung trong bữa ăn hằng ngày đó là: cà rốt, súp lơ, cải xanh, cà chua, bắp cải, việt quất, dâu tây, măng tây, bí ngô…
Tham khảo thêm: Ung Thư Dạ Dày Nên Ăn Gì Để Hỗ Trợ Điều Trị Bệnh?
6. Thiết lập thói quen ăn uống khoa học, hợp lý
Ăn không đúng giờ, ăn quá nhiều, ăn quá no hay để bụng đói, ăn quá nhanh, vận động mạnh sau khi ăn đều là những thói quen không tốt ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày, hình thành một số bệnh dạ dày mãn tính, tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Để tránh tình trạng trên, bạn nên từ bỏ những thói quen có hại gia tăng áp lực lên dạ dày, cần ăn chậm nhai kĩ, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, không bỏ bữa, nhất là bữa sáng để hạn chế tổn thương lên niêm mạc dạ dày.
7. Tích cực điều trị vi khuẩn Hp dạ dày
Như đã trình bày, vi khuẩn Hp và một “thủ phạm” gây nên những bệnh lý nguy hiểm ở dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày. Chính vì thế, ngay khi phát hiện mình bị nhiễm vi khuẩn trên, bạn nên nhanh chóng áp dụng phác đồ tiêu diệt vi khuẩn Hp để phòng những tác hại nguy hiểm mà chúng mang lại.
Tóm lại, ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm nhưng lại khó phát hiện sớm. Các dấu hiệu bệnh lí chỉ xuất hiện khi tế bào đã xâm lấn và di căn. Do đó, cá nhân cần chủ động phòng bệnh, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì để phát hiện bệnh sớm nhất có thể, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Hy vọng những thông tin về bệnh ung thư dạ dày chi tiết, chính xác nhất về nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, cách điều trị ung thư dạ dày cũng như biện pháp phòng bệnh công hiệu sẽ hữu ích đến bạn. Mong rằng, chúng ta không bao giờ trở thành đối tượng tấn công của căn bệnh nguy hiểm này.
Thanh Ngân
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!